Mới đây, một bà mẹ ở Hà Nội có chia sẻ gây bão mạng xã hội. Cụ thể, người mẹ này đăng bài hỏi kinh nghiệm học tập cho con mới... 3,5 tuổi; nội dung như sau: "Bé nhà em hiện 3,5 tuổi và em muốn con học song song học Tiếng Anh tốt thì lớp 1 thi được vào Ngôi sao hoặc Archimedes. Em muốn hỏi bố mẹ nhóm mình kinh nghiệm học hành ạ (cả đồng hành, học trung tâm, mầm non quốc tế). Bé đang học mầm non, tuần học khoảng 5 tiết tiếng Anh, ở nhà nghe loa tắm ngôn ngữ khoảng 1-2h và xem Youtube khoảng 30 phút ạ. Xem Youtube thì bé chỉ thích nhạc kiểu Cocomelon".
Những dòng chia sẻ gây tranh cãi
Nhiều người đọc xong chia sẻ của chị đã không khỏi ngỡ ngàng và cho rằng bà mẹ này đang có phần bị "bệnh thành tích". Theo ý kiến của không ít phụ huynh, lên 3 là độ tuổi trẻ nên "ăn ngon, ngủ kỹ" thì thay vì "tuần học khoảng 5 tiếng Anh" và được định hướng sâu từ quá sớm.
Ngoài ra cần nói sõi tiếng Việt trước rồi hẵng nghĩ đến chuyện học tiếng Anh, nếu không sẽ bị loạn. Một cư dân mạng cũng chia sẻ lại câu chuyện của gia đình mình. Người này cho hay, con mình ngày trước cũng học mầm non quốc tế, giao tiếp 100% bằng tiếng Anh. Tuy nhiên sau một thời gian tự hào, gia đình chị bắt đầu phát hoảng vì con sau đó chỉ thích nói tiếng Anh, nói tiếng Việt rất kém. Câu từ nào nói tiếng Việt khó phát âm là con nói tiếng Anh. Bố mẹ là người Việt nhưng con lại kém tiếng Việt khiến chị hiện tại phải cho con đi học thêm... tiếng Việt!
Gia đình vẫn nên ưu tiên cho con học tiếng Việt trước!Trước những dòng chia sẻ của bà mẹ này, một số giáo viên tiếng Anh cho hay, dù bản thân dạy môn tiếng Anh nhưng họ từng rất nhiều lần khuyên phụ huynh không nên cho con học tiếng Anh quá sớm.
Nói về độ tuổi nên cho con học tiếng Anh, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, thầy giáo IELTS 9.0 Đặng Trần Tùng từng chia sẻ: Gia đình vẫn nên ưu tiên cho con sử dụng tốt tiếng Việt trước, không có lý do gì bố mẹ nên tìm cách dạy con tiếng Anh từ quá sớm cả.
"Nếu chúng ta sợ bỏ lỡ "thời cơ vàng" để phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, giúp các bạn tiếp thu tiếng Anh tự nhiên như tiếng Việt, thì cũng không cần phải cuống quá, vì các nghiên cứu chỉ ra rằng Language Acquisition Device (LAD) - khả năng tiếp thụ ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ - không mất đi khi chúng ta lớn lên", thầy Tùng nói.
Còn thầy giáo tiếng Anh Đỗ Cao Sang (TP.HCM) cũng nhận định, việc trẻ học tiếng Anh sớm có lợi hơn nhưng không đáng kể. Theo đó, một đứa trẻ chăm chỉ cần mẫn, nỗ lực hết sức, có chút năng khiếu, có tư duy ngôn ngữ tốt thì học từ năm lớp 7, lớp 8 vẫn có kết quả tốt, vẫn đủ "vốn liếng" tiếng Anh để lên cấp 3 và chuẩn bị hành trang vào đại học.
Sự chênh lệch giữa một trẻ học tiếng Anh từ sớm và một trẻ học từ lứa tuổi lớp 7, lớp 8 (một cách đàng hoàng) thì không cách xa nhau bao nhiêu cả!
Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, một chuyên viên tiếng Anh của Phòng GD-ĐT Q.1, TP.HCM từng phân tích: "Hiện trên thế giới vẫn tranh cãi giai đoạn vàng học tiếng Anh tốt cho trẻ. Có ý kiến cho rằng trẻ mầm non 3-4 tuổi học song ngữ sẽ thông minh, hấp thụ tốt hơn. Ngược lại học song ngữ sớm trẻ gặp khó khăn tiếng mẹ đẻ để diễn đạt gây nhiễu loạn ngôn ngữ. Đó là chưa kể nguy cơ học không đúng giáo viên có nền tảng sẽ để lại hậu quả lâu dài, phương pháp hiệu ứng tâm lý không tốt".
Theo chuyên gia này, dù là khuynh hướng nào đi nữa cũng cần học tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ trước vì tiếng Anh là học cả đời. Trẻ 3-4 tuổi chưa học thì lên 6 tuổi học liên tục, học đúng thầy tốt rất hiệu quả. Phụ huynh không nên nóng vội thúc ép con và mạo hiểm, đánh đổi giai đoạn vàng.
Tổng hợp